Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được coi là một trong những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế, là “chìa khóa” để Việt Nam chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo. Vừa qua startup 689Cloud (Nền tảng bảo mật dữ liệu cho doanh nghiệp) – có cuộc trao đổi phỏng vấn với Đài truyền hình VTV Việt Nam về chia sẻ các ý tưởng đề xuất cho TP.HCM về chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo của Startup trên địa bàn thành phố

Năm 2020, GDP Việt Nam tăng 2,91%, tuy là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây, nhưng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì đây là một thành công lớn, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Thành tựu này dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã thích ứng để chuyển đổi và bứt phá. Phong trào khởi nghiệp vẫn rất sôi nổi trong năm 2020 vẫn có trên 100.000 doanh nghiệp mới được thành lập. TP Hồ Chí Minh ở vị trí 19 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bảng xếp hạng 100 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi 2020 (theo đánh giá của Startup Genome 2020).
Đó là những cơ hội đáng mừng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bên cạnh đó vẫn còn một số thách thức dành cho các doanh nghiệp. Trao đổi với VTV ông Lê Xuân Anh (Johnny Le) – Giám đốc cty 689Cloud có đề xuất một số ý kiến góp phần tăng thêm các giải pháp thúc đẩy hiệu quả doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Một là, đẩy mạnh việc ứng dụng những kết quả nghiên cứu, thành tựu vào đời sống, thương mại hóa các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng vào thực tiễn vẫn còn những hạn chế nhất định: Các sản phẩm, ứng dụng đã được nghiệm thu nhưng chưa được quan tâm tốt việc vận dụng trong xã hội, các hình thức triển khai vẫn chưa được đầu tư thích đáng. Ngoài việc khuyến khích, cần ban hành các chính sách, chỉ tiêu, quy định cụ thể về áp dụng các giải pháp, ứng dụng của Startup vào trong Doanh Nghiệp, Cơ quan nhà nước và trong xã hội. Như vậy mới có thể đẩy mạnh tính ứng dụng công nghệ mới của Startup trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Hai là, chú trọng việc định hướng, xây dựng quy trình để thống nhất thực hiện giúp doanh nghiệp tìm ra phương hướng phát triển tốt nhất
Để hình thành các chính sách hoạt động cụ thể và đo lường được tính hiệu quả cần có sự phối hợp của các cơ quan ban ngành, đơn vị/ hiệp hội liên quan đứng ra điều hành các cụm liên kết ngành, cùng trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động ứng dụng. Quy trình này được coi là một phần tất yếu để thống nhất thực hiện và định hướng được sự phát triển của các Startup khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tương lai.
Ba là, Chia sẻ kiến thức khởi nghiệp cùng hợp tác và thành công trên phương tiện thông tin đại chúng
Nên có kênh riêng trên đài truyền hình quốc gia về các chủ đề hội thảo chia sẻ các vấn đề xung quanh các bài toán, xu hướng xã hội và công nghệ. Khách mời là những Startup đã và đang giải quyết các vấn đề chia sẻ đó. Bằng kiến thức lẫn kinh nghiệm thực tế được tích lũy qua những lần thất bại trên con đường khởi nghiệp và từ những dự án “khủng” trong nước cho đến Startup quy mô tầm cỡ quốc tế, mang lại cái nhìn đúng đắn hơn về công cuộc khởi nghiệp. Đây cũng là một phương thức thắp lên niềm tin, sự đam mê khởi nghiệp giúp các Startup trẻ tự tin hơn với quyết định của bản thân.
Cuối cùng, Chọn lọc nâng tầm chất lượng của các dự án Startup
Quy trình thẩm định dự án Startup áp dụng cho khối Doanh Nghiệp nhà nước, cơ quan nhà nước nên cần được áp dụng các quy trình mới tân tiến hơn, tối giản các bước không cần thiết, giảm bớt một số khó khăn tồn tại, đòi hỏi các cơ quan xây dựng và thực thi chính sách cần chủ động đưa ra các giải pháp, đề xuất để việc tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Cũng như không thể áp dụng các chỉ số, hay yêu cầu hồ sơ năng lực của Startup phải tương đương các tập đoàn lớn như Viettel hay VNPT. Từ đó mới có thể mở cánh cửa cho Startup.